Hoạch định tài chính doanh nghiệp là công việc bắt buộc giúp tất cả các nhà quản trị ra quyết định tốt hơn. Hoạch định tài chính là gì và đối với doanh nghiệp nó quan trọng như thế nào? Hãy cùng Học viện CEO Hà Nội tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Hoạch định tài chính là gì?
Một doanh nghiệp muốn tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cần phải có một lượng tài sản phản ánh.
Tài chính doanh nghiệp là thuật ngữ được dùng để mô tả cho những công cụ, công việc quan trọng trong hệ thống tài chính của doanh nghiệp. Các hoạt động liên quan đến việc huy động vốn và sử dụng nguồn vồn đó để đầu tư vào tài sản trong doanh nghiệp nhằm tạo ra lợi nhuận cho chủ sở hữu doanh nghiệp.
Dựa trên những thông tin tài chính của doanh nghiệp, người làm tài chính doanh nghiệp sẽ quản lý dòng tiền trong doanh nghiệp phục vụ cho những hoạt động để tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Tài chính là phương vận động độc lập tương đối của tiền tệ với chức năng và phương tiện cất trữ của nó, mà tính đặc trưng của nó trong lĩnh vực phân phối là tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ khác nhau cho mục đích tích lũy và tiêu dùng khác nhau.
Những công việc của tài chính doanh nghiệp bao gồm việc đọc các báo cáo tài chính, quản lý dòng tiền, phân tích báo cáo lợi nhuận và lỗ để từ đó tạo ra bảng cân đối kế toán và dòng tiền lưu chuyển trong doanh nghiệp.
Khi những báo cáo này chỉ ra việc doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn vốn thì người quản trị tài chính doanh nghiệp sẽ dựa trên những công cụ tài chính doanh nghiệp để lập kế hoạch chiến lược giúp khắc phục sự thiếu hụt đó.
Vai trò của hoạch định tài chính trong doanh nghiệp
Hoạch định là quá trình phát triển các kế hoạch tài chính ngắn hạn cũng như dài hạn nhằm đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp và cá nhân. Các kế hoạch tài chính có đặc trưng cơ bản là được trình bày bằng đơn vị đo lường chung là tiền tệ. Vì vậy, hệ thống kế hoạch tài chính đóng vai trò quan trọng, then chốt trong việc lập kế hoạch và kiểm soát của các doanh nghiệp.
Xác định tính khả thi của hoạt động kinh doanh
Nhiều doanh nghiệp sau khi tiến hành hoạt động kinh doanh mới phát hiện ra rằng thành công không hề đến một cách dễ dàng. Một kế hoạch kinh doanh với hoạch định tài chính đi kèm là một nghiên cứu về khả thi của công ty và về những yếu tố mà doanh nghiệp cần để thành công.
Nếu tài nguyên nằm ngoài tầm với của bạn, bạn không có kinh nghiệm hoặc thị trường quá bất ổn vào lúc này, hoạch định tài chính sẽ làm rõ điều đó. Bạn có thể nhận ra rằng bạn đang định giá cho các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình cao hơn so với giá của đối thủ cạnh tranh. Hoặc có lẽ giá cả thì ổn, nhưng chi phí sản xuất của bạn quá cao và sẽ khó kiếm được lợi nhuận.
Phân tích sự khác biệt giữa thực tế và kỳ vọng
Việc theo dõi và so sánh kết quả thực tế so với các khoản ngân sách chi tiết trong kế hoạch tài chính cho bạn cơ hội thực hiện các điều chỉnh cần thiết để quay trở lại đúng lộ trình. Ví dụ: nếu bạn không đạt được doanh thu dự kiến, thì các dự đoán đều sai hoặc chiến dịch tiếp thị không hiệu quả như bạn nghĩ.
Hoạch định tài chính sẽ cho biết các giả định đằng sau mỗi dự đoán. Điều này là rất quan trọng để tìm hiểu lý do tại sao các kỳ vọng và việc triển khai lại không giống như thực tế. Nói cách khác, bạn cần biết bạn đang làm tốt những gì và đang làm sai ở đâu.
Dự báo các yêu cầu tài chính
Triển khai một hoạt động kinh doanh cần có vốn. Các dự báo trong kế hoạch tài chính sẽ cho thấy bạn phải cần bao nhiêu tiền và khi nào thì cần sử dụng tiền. Nếu bạn không có đủ số vốn cần thiết để bắt đầu kinh doanh. Bạn có thể phải triển khai ở quy mô nhỏ hơn trong phạm vi ngân sách cho phép.
Hoạch định tài chính cũng cho biết thiếu hụt có thể xảy ra ở đâu. Để nhà quản lý điều chỉnh dự báo doanh thu và chi phí để tránh thiếu hụt hoặc đảm bảo doanh nghiệp có sẵn các khoản tiền dự phòng khác. Chẳng hạn như quỹ tiết kiệm hoặc các khoản vay để trang trải bất kỳ thâm hụt tiền mặt nào.
Thu hút các khoản tài trợ và đầu tư
Các nhà đầu tư và người cho vay như tổ chức tín dụng hay ngân hàng luôn yêu cầu xem kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp xin tài trợ. Bao gồm cả kế hoạch tài chính với các dự đoán, giả định và các kỳ vọng khả thi.
Nguyên tắc tổ chức tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp phải tôn trọng pháp luật: Mọi hoạt động tài doanh nghiệp từ khâu lập các dự án tài chính đến khâu tổ chức thực hiện các dự án đều phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.
Tài chính doanh nghiệp tổ chức theo nguyên tắc quản lý có kế hoạch: Mọi hoạt động tài chính từ khâu huy động vốn đến khâu sử dụng vốn đều phải được lập kế hoạch cụ thể, bao gồm các kế hoạch ngắn hạn, trung và dài hạn.
Tài chính doanh nghiệp tổ chức phải hoạt động có hiệu quả: Bộ phận tài chính doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả thì mới tác động tích cực đến các hoạt động khác của doanh nghiệp. Vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thu chi của doanh nghiệp đó.