logo Tigobiz

Cạnh tranh là một quy luật tất yếu trong nền kinh tế thị trường hiện nay, tạo động lực để thị trường có thể phát triển. Doanh nghiệp cần gì để củng cố năng lực cạnh tranh trước nền kinh tế nhiều biến động? Bài viết dưới đây là 1 góc nhìn nhỏ về năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Cạnh tranh

Từ điển Bách Khoa Việt Nam (2014) định nghĩa: Cạnh tranh trong kinh doanh là hoạt động tranh đua giữa những người sản xuất hàng hóa, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, chi phối quan hệ cung cầu nhằm giành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ thị trường có lợi nhất. Còn theo Porter (1998), cạnh tranh là giành lấy thị phần. Bản chất của cạnh tranh là tìm kiếm lợi nhuận, là khoản lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trung bình mà doanh nghiệp (DN) đang có. Kết quả quá trình cạnh tranh là sự bình phân hóa lợi nhuận trong ngành theo chiều hướng cải thiện sâu dẫn đến hệ quả là giá cả có thể giảm đi.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Cho đến nay, có rất nhiều định nghĩa về năng lực cạnh tranh của DN, tuy nhiên vẫn chưa có định nghĩa chung thống nhất, do tùy từng cách tiếp cận có thể đưa ra góc nhìn khác nhau về năng lực cạnh tranh của DN. 

Theo Porter (1998), năng lực cạnh tranh của DN là khả năng duy trì, mở rộng thị phần và đạt được lợi nhuận cao. Porter cho rằng, để có thể cạnh tranh thành công, DN phải có được lợi thế cạnh tranh, có chi phí sản xuất thấp hơn hoặc có khả năng khác biệt hóa sản phẩm để đạt được mức giá cao hơn trung bình. 

Năng lực cạnh tranh là khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ so với đối thủ và khả năng “thu lợi” của DN. Quan niệm này đồng thuận với các công trình nghiên cứu của Mehra (1998), Ramasamy (1995), Buckley (1991), Schealbach (1989), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế của Việt Nam. Trong khi đó, Nguyễn Minh Tuấn (2010) cho rằng, năng lực cạnh tranh của DN là khả năng duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, thu hút, sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất nhằm đạt lợi ích kinh tế cao, đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.

Với quan điểm, năng lực cạnh tranh đồng nghĩa với duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, năng lực cạnh tranh của DN là khả năng tạo dựng, duy trì, sử dụng và sáng tạo mới các lợi thế, tạo ra năng suất, chất lượng cao hơn đối thủ cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần lớn, tạo ra thu nhập cao và phát triển bền vững. 

Như vậy, năng lực cạnh tranh của DN là khả năng duy trì, triển khai, phối hợp các nguồn lực nhằm giúp DN đạt được mục tiêu đề ra, tạo ra lợi thế cạnh tranh, năng suất và chất lượng cao hơn đối thủ cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần lớn, tạo ra thu nhập cao và phát triển bền vững.

Vai trò của cạnh tranh giữa các doanh nghiệp

  • Đối với doanh nghiệp

Cạnh tranh buộc các doanh nghiệpphải tối ưu hoá các yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh,phải triệt để không ngừng sáng tạo, tìm tòi.

Cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải không ngừng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nắm bắt thông tin kịp thời.

Cạnh tranh quy định vị thế của doanh nghiệp trên thương trường thông qua những lợi thế mà doanh nghiệp đạt được nhiều hơn đối thủ cạnh tranh. Đồng thời cạnh tranh cũng là yếu tố làm tăng hoặc giảm uy tín của doanh nghiệp trên thương trường.

  • Đối với người tiêu dùng

Cạnh tranh mang đến cho người tiêu dùng ngày càng nhiều hơn chủng loại hàng hoá, đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, của người tiêu dùng. Không những thế, cạnh tranh đem lại cho người tiêu dùng sự thoả mãn hơn nữa về nhu cầu.

  • Đối với nền kinh tế quốc dân

Cạnh tranh là môi trường, là động lực thúc đẩy sự phát triển bình đẳng mọi thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường.

Cạnh tranh là điều kiện quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng cao vào sản xuất, hiện đại hoá nền kinh tế xã hội.

Cạnh tranh góp phần xoá bỏ những độc quyền bất hợp lý, xoá bỏ những bất bình đẳng trong kinh doanh.

Doanh nghiệp cạnh tranh bằng giá trị cốt lõi

Nhiều doanh nghiệp thu hút và giữ khách hàng chính bằng hệ giá trị cốt lõi của mình.

Hệ giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp là nền tảng của toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm cả chiến lược, mô hình, cơ cấu và cơ chế quản lý điều hành, đội ngũ nhân sự…; và tất nhiên, trong đó có chiến lược cạnh tranh…

Khi một doanh nghiệp đề cao các giá trị cốt lõi và cam kết với các giá trị cốt lõi, thì đó cũng là một lợi thế cạnh tranh rất lớn, miễn là giá trị cốt lõi đó phù hợp với mong đợi của khách hàng và không đi ngược lại các giá trị phổ quát của cộng đồng.

Ví dụ, một doanh nghiệp coi trọng sự CHÍNH TRỰC, MINH BẠCH, CAM KẾT, thì trong toàn bộ hệ thống quản lý doanh nghiệp cũng như trong các mối quan hệ với bên ngoài (khách hàng, nhà cung cấp, đối tác, cổ đông, nhà đầu tư…), 3 yếu tố này luôn được coi trọng và đề cao một cách THỰC CHẤT!

Đó chính là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nếu như các giá trị cốt lõi này là “inside out” (từ thực tâm mà ra), không phải “outside in” (lấy từ bên ngoài đưa vào), vì khi đó chúng là niềm tin, giá trị thật, bản chất thật của doanh nghiệp và con người trong doanh nghiệp.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp có những câu tuyên ngôn hoành tráng, nhưng không phải thực tâm, mà là bắt chước, copy “lời hay, ý đẹp” từ người khác để nói cho hay, nhưng trong thâm tâm, họ không coi trọng những giá trị đó (và sẵn sàng đánh đổi vì lợi ích khác).

Giá trị cốt lõi (từ thực tâm) là thứ đáng để tự hào vì đó chính là LƯƠNG TÂM của tổ chức (và những người đứng đầu tổ chức). Đặt niềm tin và thực hiện đúng hệ giá trị cốt lõi, ta sẽ không lo gì bị mất lợi thế cạnh tranh trong lâu dài, cho dù trước mắt, có thể khó khăn!

Doanh nghiệp cạnh tranh bằng mô hình kinh doanh

Ai cũng nói cạnh tranh bằng mô hình kinh doanh, nhưng không mấy ai chịu nghĩ sâu hơn một chút nữa để hiểu rằng, bản thân mô hình kinh doanh là do chiến lược đẻ ra để thực hiện ý đồ chiến lược, chứ không phải tự nhiên mà có!

Mô hình kinh doanh hiểu nôm na là “kiểu cách” kinh doanh của một doanh nghiệp, là cách thức để doanh nghiệp tạo ra và chuyển giao giá trị, và nhận lại giá trị tương ứng với sự chuyển giao đó.

Nhưng cần hiểu rằng CHỌN KIỂU CÁCH KINH DOANH nào, tức CHỌN MÔ HÌNH KINH DOANH NÀO, LẠI LÀ BÀI TOÁN CỦA CHIẾN LƯỢC!

Ví dụ, bạn chọn mô hình cà phê sân vườn hay cà phê máy lạnh là một bài toán chiến lược. Và tại cùng một địa điểm, bạn chọn bán cà phê hay bán bún bò cũng là một bài toán chiến lược!

Mô hình kinh doanh bún bò ắt khác Mô hình kinh doanh cà phê chứ nhỉ?

Chiến lược giúp lựa chọn Mô hình kinh doanh và dẫn dắt Mô hình kinh doanh thực hiện ý đồ chiến lược.

Do vậy, cạnh tranh bằng mô hình kinh doanh về THỰC CHẤT LÀ CẠNH TRANH BẰNG CHIẾN LƯỢC, mà Mô hình kinh doanh chỉ như “những người lính” thực thi, là thứ được dùng để hiện thực hóa một chiến lược kinh doanh, hay chiến lược cạnh tranh trước đó.

Một mô hình kinh doanh tự phát hay copy một cách thiếu cơ sở sẽ không thể cạnh tranh đâu. Nó chỉ có thể cạnh tranh khi được sinh ra, được nuôi nấng và dẫn dắt bởi một chiến lược cạnh tranh!

Mà chiến lược thì phải dựa vào năng lực, nguồn lực, các yếu tố bên trong, bên ngoài, vĩ mô, vi mô, thị trường, khách hàng, đối thủ, xu hướng tiêu dùng, các cơ hội và nguy cơ… để hoạch định ra chứ không phải cứ thế mà vẽ ra một cách tùy tiện đâu!

Đại loại cũng nói Mô hình kinh doanh là cách thức một Doanh nghiệp vận hành để tạo ra giá trị. Còn chiến lược là để lựa chọn Mô hình kinh doanh, và dùng nó để cạnh tranh trên thị trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

English EN Vietnamese VI
0389.256.595