1. Vai trò của nghệ thuật quản trị nhân sự
Quản trị nhân sự đóng một vai trò then chốt trong vận hành doanh nghiệp, và nghệ thuật quản lý nhân sự lại là giá trị cốt lõi của nó. Đó là cái lõi của lõi. Nghệ thuật quản lý nhân sự là dung hòa của quản trị chiến lược, quản trị kinh doanh, phân tích và thấu hiểu cảm xúc.
Một người quản lý có thể tiếp cận, phân tích và giải quyết vấn đề khéo léo, tinh tế luôn là người có thể thực thi mọi kế hoạch HR và đem lại hiệu quả tích cực. Vì vậy, thật dễ hiểu nếu bạn là một nhà quản lý nhân sự đạt được các yếu tố trên, bạn sẽ rất được lòng toàn thể công ty và được các bậc lãnh đạo cao hơn trọng dụng.
Trên thực tế, hiện nay, có vô vàn doanh nghiệp đang loay hoay trong mớ bòng bong, thiếu hụt nhân sự có trình độ chuyên môn cao. Chỉ vì người lãnh đạo, quản lý không biết cách thu hút nhân tài.
Bên cạnh đó, việc không biết cách tuyển dụng, sắp xếp, loại bỏ nhân sự dẫn đến tình trạng người thừa vẫn thừa, người thiếu vẫn thiếu, khủng hoảng, lao đao vì không có nhân sự làm được việc.
Sự thật là, nhiều nhà quản trị nhân sự không biết cách khích lệ, động viên và giữ chân nhân tài, khiến những người giỏi không hài lòng mà rời khỏi công ty. Cũng có không ít trường hợp công ty tuyển dụng và đào tạo bài bản, họ làm việc được một thời gian thì sang đầu quân cho công ty khác (Thậm chí là đối thủ).Tất cả những điều trên chính là hồi chuông báo động khẩn cấp của tình trạng quản trị nhân sự của rất nhiều doanh nghiệp trong nước ta hiện nay.
2. Nghệ thuật quản trị nhân sự bạn cần biết
2.1 Thưởng – Phạt phân minh
Một trong những kinh nghiệm quản lý nhân sự được nhiều CEO chính là thưởng phạt phân minh cho nhân viên của mình. Người lãnh đạo luôn phải đặt mình trong tâm thế người đứng giữa, luôn công bằng và phân minh trong mọi vấn đề. Dù là nhân viên ưu tú, tuy nhiên nếu không may mắc lỗi, quản lý vẫn phải răn đe, phê bình hoặc xử phạt nếu cần. Ngược lại đối với nhân viên đã từng mắc lỗi, nhưng lại lập công, lãnh đạo cần khen ngợi, biểu dương hoặc có phần thưởng phù hợp. Khi xử phạt người quản lý cần nêu rõ lý do, nguyên nhân có như vậy cấp dưới mới tâm phục, khẩu phục.
2.2 Đặt nhân viên vào đúng vị trí
Chúng ta đều biết việc sử dụng những con người đúng cho các vị trí đúng là rất quan trọng với sự sống còn của doanh nghiệp. Nghệ thuật dùng người nghe có vẻ cao siêu nhưng thực chất lại được vận dụng dễ dàng nếu người làm quản lý nhân sự nắm được cách thức.
Trước hết, hãy chuẩn bị sẵn từng mô tả cụ thể cho các vị trí nhân sự trong công ty của bạn. Đó không chỉ là cách viết tin tuyển dụng với công việc chính, yêu cầu công việc, mức lương,… mà còn có KPI công việc, năng lực liên quan và bộ câu hỏi phỏng vấn ứng viên hoặc đánh giá nhân sự.
Hãy ngồi xuống và dành thời gian nói chuyện hằng tuần với nhân sự trong công ty của mình để tìm ra vấn đề của họ và giúp họ bằng những lời khuyên hay sự quan tâm. Khi bạn đã có đủ cơ sở để hiểu về các thành viên trong công ty, các quyết định về nhân sự trong công ty cần được điều phối hợp lý và rõ ràng thì mới mau chóng tìm được những mảnh ghép phù hợp.
2.3 Xây dựng được luật chơi cho nhân viên
Trong một tổ chức, nếu hệ thống phân công công việc không rõ ràng, hoặc nhà quản lý không kiểm soát được dòng chảy của công việc cả về chiều sâu lẫn tốc độ thì nhân viên sẽ không thể gắn bó lâu dài với công việc. Một số người không tương thích được với các cá nhân khác cũng như với tổng thể tổ chức doanh nghiệp: mù mờ về định hướng, phạm vi công việc.
Đã có nhiều trường hợp, nhân viên bị “ngập mặt” với những công việc không tên, còn giới chủ thì cho rằng nhân viên không đem lại giá trị về lao động nào rõ rệt, hiệu quả làm việc không cao và cho rằng không đáng để giữ lại. Còn người lao động lại cảm thấy chỗ làm không xứng đáng để bỏ công sức mà không được tôn trọng, thế là họ chia tay.
Lại có tình huống các quản lý cấp bộ phận đã thiết lập đầy đủ các quy trình làm việc nhưng vì lo chạy theo những công việc khác cần kíp hơn, khiến cho đội ngũ nhân viên hoang mang và mỗi người làm theo cách riêng của mình mà không có sự thống nhất tập thể. Nguyên nhân dẫn đến những bất cập này một phần có thể do đội ngũ nhân lực bị quá tải trước áp lực công việc là chính chứ không quan tâm đến chất lượng sản phẩm.
2.4 Định hướng công việc và phát triển cho nhân viên
Trên thực tế cách quản lý nguồn nhân sự từ lãnh đạo đóng vai trò to lớn đến thành công và sự phát triển của nhân viên trong tương lai. Một lãnh đạo giỏi có thể nhìn ra được năng lực tiềm ẩn và những điểm mạnh của cấp dưới, từ đó giao cho họ những công việc và nhiệm vụ phù hợp. Ngoài ra nhà quản lý cũng cần tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, sở thích của nhân viên nhằm sắp xếp công việc theo đúng đam mê của họ. Người lãnh đạo tốt không chỉ được nhân viên nể phục mà còn là người dìu dắt và góp phần vào quá trình thăng tiến, phát triển của cấp dưới.